Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát lệnh thông xe Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 qua Bình Định và Gia Lai

Sáng nay 15/1, tại Km124+720 Quốc lộ (QL) 19, thuộc địa bàn xã Đăk Taley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai Bộ GTVT đã tổ chức lễ thông xe Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn từ Km17+027 - Km50+000 tỉnh Bình Định và đoạn Km108+000 - Km131+300 tỉnh Gia Lai. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã tới dự và cắt băng chính thức thông xe Dự án. Tham dự Lễ Thông xe còn có đại diện lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Bình Định, đại diện các địa phương có Dự án đi qua và các đơn vị tham gia thi công Dự án.
 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát lệnh thông xe Dự án đầu tư cải tạo QL19.

Phát biểu tại Lễ Thông xe, ông Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 - Bộ Quốc phòng, đơn vị đầu tư và thi công dự án, cho biết QL 19 được đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp theo hình thức hợp đồng BOT có tổng chiều dài 56,7 Km với tổng mức đầu tư  2.045 tỷ đồng đi qua địa phận hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Định dài hơn 33 km, có điểm đầu tuyến tại Km 17+027, kết nối vào quốc lộ 1, đoạn Km 1212+400 và Km 1265 thuộc địa phận phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn và điểm cuối tại Km 50 thuộc địa phận xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai dài hơn 22,6 km, điểm đầu tuyến tại Km 108 thuộc địa phận huyện Đak Pơ, điểm cuối tuyến tại Km 131+300 thuộc địa phận huyện Mang Yang. Tuyến đường được xây dựng với qui mô đường cấp III đồng bằng, mặt cắt ngang nền đường đoạn thông thường 12m (gồm thảm nhựa 11m và hai bên lề đất, mỗi bên rộng 0,5m), đoạn qua khu dân cư rộng 15m (gồm thảm nhựa 13m và rãnh dọc kín hai bên, mỗi bên 1m), tốc độ thiết kế 80Km/giờ, đoạn qua khu dân cư tập trung 60Km/giờ. Dự án nằm trong qui hoạch của Chính phủ về phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020 với thời gian thi công 2 năm từ 12/2013 - 31/12/2015 và thời gian thu phí hoàn vốn 22 năm. Việc hoàn thành Dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và thu ngân sách cho hai tỉnh Bình Định, Gia Lai nói riêng và địa bàn Tây Nguyên nói chung; là huyết mạch để giao lưu văn hóa giữa đồng bào Tây Nguyên và đồng bào vùng miền duyên hải.

Tổng giám đốc Tổng công ty 36 Nguyễn Đăng Giáp phát biểu

Theo lãnh đạo Tổng công ty 36, với vai trò vừa là chủ đầu tư (Dự án BOT QL 19) vừa là nhà thầu thi công, trong thời gian đầu triển khai Dự án Tổng công ty 36 đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình thiết yếu do vấn đề lịch sử để lại trong quản lý đất đai, quản lý hành lang an toàn giao thông và hệ thống đường điện, nước sạch, nguồn vật liệu, cũng như xử lý một số vấn đề phức tạp về kỹ thuật trong quá trình thi công để đảm bảo mặt đường êm thuận và bảo đảm ATGT, như xử lý sụt lún, chống hằn lún vệt bánh xe  và vừa thi công vừa bảo đảm giao thông đoạn qua đèo MangYang (Km108+00-Km112+00) với địa hình đèo dốc quanh co, khối lượng đào đắp đất đá lớn (khoảng 300 nghìn mét khối), mật độ phương tiện đi lại dày đặc, không có đường tránh.


Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT cho các đơn vị có thành tích.

Theo lãnh đạo 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định, việc hoàn thành, đưa vào sử dụng Quốc lộ 19 sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng thời tạo thuận lợi để phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng và chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, Quốc lộ 19 sẽ cùng Quốc lộ 1 kết hợp thành 2 trục giao thông quan trọng để phát triển du lịch và thu hút lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại các vùng nguyên liệu, trung tâm công nghiệp, thương mại của các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên, kể cả Nam Lào, Đông Bắc Campuchia về Cảng Quy Nhơn và ngược lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung cho khu vực hành lang kinh tế Đông – Tây.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và các đại biểu thực hiện nghi lễ cắt băng thông xe QL19.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và các đại biểu  thực hiện nghi lễ gắn biển
cho Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn từ Km17+027 - Km50+000 tỉnh Bình Định

Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã biểu dương Ban QLDA 5, Tổng Công ty 36 cùng đơn vị TVGS và các Nhà thầu đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành công trình đúng tiến độ. Thứ trưởng cũng yêu cầu yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Vụ, Cục của Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với tỉnh Gia Lai, Bình Định tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả công trình, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Đức Toàn

(mt.gov.vn)

Hoàn thành mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1 năm

Những nhiệm vụ được Nghị quyết số 13-NQ/TW của Đảng đề ra mục tiêu trọng tâm về hạ tầng giao thông là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức to lớn đối với ngành GTVT. Nghị quyết ra đời đã tạo tiền đề mở đường để đầu tư xây dựng các công trình, dự án lớn của ngành, đặc biệt là Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và nhiều dự án quan trọng khác.
 

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đất nước, nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) hạn hẹp, không đủ đáp ứng cho các mục tiêu đã đặt ra, đòi hỏi ngành GTVT phải có một cách tiếp cận mới trong việc sử dụng hợp lý nguồn lực hiện có, huy động mọi nguồn lực ngoài NSNN và quan trọng hơn là sử dụng hiệu quả các nguồn lực này, cho cả mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Dự án đầu tư mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội - Cần Thơ với chiều dài 1.948 km đã được hoàn thành

Triển khai Nghị quyết, Bộ GTVT đã chủ động xây dựng Đề án mở rộng Quốc lộ 1A và phương án đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với giải pháp trọng tâm là huy động tối đa nguồn vốn ngoài NSNN kết hợp cùng nguồn vốn NSNN (thông qua phát hành TPCP) để đầu tư.

Chính phủ đã thông qua Đề án đầu tư mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội - Cần Thơ với chiều dài 1.948 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong đó, tại thời điểm trước khi triển khai, trên đoạn tuyến này đã mở rộng và xây dựng tuyến tránh được 554 km, còn lại 1.394 km được đầu tư xây dựng mở rộng thông qua 41 dự án: 40 dự án do Bộ GTVT là cấp có thẩm quyền đầu tư (20 dự án đầu tư theo hình thức BOT; 20 dự án đầu tư bằng vốn NSNN và TPCP); 01 dự án do UBND tỉnh Ninh Bình là chủ quản đầu tư (vốn TPCP).

QL1A đoạn đi quan huyện Bố Trạch và Quảng Trạch (Quảng Bình)

QL1A đoạn đi quan huyện Bố Trạch và Quảng Trạch (Quảng Bình)

Được xác định là một dự án trọng điểm quốc gia, do đó Dự án đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ  của các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương có Dự án đi qua, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sự đồng lòng ủng hộ của người dân vùng Dự án, đến cuối năm 2015 đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các dự án mở rộng QL1 sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Cùng với Đề án đầu tư mở rộng QL1, Chính phủ đã thông qua phương án đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với chiều dài 663 km đi qua 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước, trong đó, tại thời điểm trước khi triển khai, trên đoạn tuyến này, đã mở rộng được 244 km với quy mô đường cấp III, 2 làn xe. Còn lại 419 km được chia thành 12 dự án/ TMĐT 16.975 tỷ đồng, trong đó 11 dự án do Bộ GTVT là cấp có thẩm quyền đầu tư (5 dự án đầu tư theo hình thức BOT; 6 dự án đầu tư bằng vốn TPCP); 01 dự án do UBND tỉnh Đắk Nông là chủ quản đầu tư (vốn TPCP).

Một đoạn đường Hồ Chí Minh

Đến nay, 11/11 dự án do Bộ GTVT quản lý đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 7/2015 với tổng chiều dài là 419 km, sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch đề ra.

Như vậy, đến cuối năm 2015 đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo nâng cấp 1.394 km QL1 và 419 km đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên bằng nguồn vốn NSNN kết hợp nguồn vốn xã hội hóa với tổng mức vốn đầu tư lên tới hơn 116.000 tỷ đồng (Trong đó, mức vốn huy động từ các nhà đầu tư hơn 54.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 46% tổng mức vốn đầu tư các dự án).

(mt.gov.vn)

Thành lập Hội An toàn giao thông Việt Nam

Ngày 12/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Đại hội thành lập Hội An toàn giao thông Việt Nam (VITSA) nhiệm kỳ 2015 - 2020.
 

Ảnh

Đại hội thành lập Hội ATGT Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020

Tại Đại hội, Hội ATGT Việt Nam đã thông qua điều lệ hoạt động, phương hướng nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong năm 2016, Hội ATGT Việt Nam đặt kế hoạch thực hiện đầy đủ, hiệu quả những nhiệm vụ và quy định.

Đặc biệt, Hội mở rộng phát triển hội viên, tăng năng lực điều hành, thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội tham gia với các cơ quan nhà nước, Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ ngành liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm phát luật, cơ chế chính sách về ATGT.

Hội phối hợp với các ban, ngành liên quan đề xuất các giải pháp giải quyết nhanh hơn các vấn đề bức xúc liên quan đến ATGT; huy động các nguồn lực tài trợ từ các tổ chức hảo tâm để tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ các nạn nhân TNGT.

Ảnh 2

Ban Chấp hành Hội ATGT Việt Nam Khóa I ra mắt tại Đại hội
(Trong ảnh Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG Khuất Việt Hùng tặng hoa chúc mừng BCH Hội)

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội ATGT Việt Nam Khóa I gồm 58 đồng chí, Ban Kiểm tra gồm 3 đồng chí. Ngay sau đó, Ban Chấp hành Hội Khóa I đã họp bầu Ban Thường vụ gồm 18 đồng chí, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội.

Các Phó Chủ tịch Hội gồm Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ATGT Bộ GTVT Lê Minh Châu, nguyên Chánh Văn phòng Bộ GTVT Ngô Quang Huấn và nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Vương Đình Lam.

Ảnh 3

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phát biểu chúc mừng thành công của Đại hội

Tháng 9/2015, Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 1087/QĐ-BNV thành lập Hội ATGT Việt Nam, với chức năng, nhiệm vụ là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ATGT, GTVT và là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có chung mục đích tập hợp, đoàn kết để hoạt động nhằm hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội và hội viên, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm trật tự ATGT theo quy định của pháp luật.

Hội ATGT Việt Nam chịu sự quản lý của Bộ GTVT và các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.

X.N

(mt.gov.vn)

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ trắng đêm mật phục xe quá tải

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyện, đã đích thân dẫn đoàn cán bộ bí mật phục kích các tuyến QL5, 10 và 18 để bắt xe quá tải.

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau một đêm trắng bí mật đi kiểm tra các phương tiện vận tải trên đường, đích thân ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng, đã bắt nhiều phương tiện quá tải, xử phạt hành chính 175 triệu đồng.

Từ 21h đêm 20/1 đến 5h sáng ngày hôm qua (21/1), trực tiếp ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã dẫn theo nhiều cán bộ chủ chốt thuộc Tổng cục để thị sát, mật phục bắt xe quá tải. Đặc biệt, ông Huyện đã kiểm tra bất ngờ tuyến quốc lộ 5 cũ, nơi có các cảng thủy nội địa mà thời gian qua báo chí phán ánh về tình trạng làm hàng quá tải.

Xe của Tổng cục yêu cầu các phương tiện xe quá tải trên đường 5.
Xe của Tổng cục yêu cầu các phương tiện xe quá tải trên đường 5.

Tại đây đoàn của Tổng cục Đường bộ đã dừng kiểm tra nhiều phương tiện từ các cảng Tuấn Loan, Quỳnh Cư…. Tuy nhiên khi thấy xe của cơ quan chức năng xuất hiện, hầu hết các cảng như Tiến Mạnh, Nam Ninh, Hồng Bàng, Lê Quốc, Duy Linh… nằm im, ngưng mọi hoạt động bốc xếp hàng. Nhiều đoàn xe đang lấy hàng dở cũng phủ bạt nằm im.

Ngay sau cuộc thị sát các cảng đường 5 cũ, ông Huyện tiếp tục đi thị sát các tuyến đường như QL18, QL10 qua địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương… Đoàn đã kiểm tra một loạt phương tiện vận tải trên đường, phát hiện 6 xe quá tải, xử phạt số tiền 175 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Huyện cùng đoàn cán bộ của Tổng cục kiểm tra xe quá tải.
Ông Nguyễn Văn Huyện cùng đoàn cán bộ của Tổng cục kiểm tra xe quá tải.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, sau chuyến kiểm tra của đoàn lực lượng chức năng, các cảng đường 5 cũ có nhiều chuyển biến “kì lạ”. Suốt từ đêm 20/1 đến tận sáng nay 22/1, các cảng này gần như "tê liệt", mọi hoạt động xếp dỡ gần như ngưng trệ. 

Trao đổi với PV Dân trí, một giám đốc cảng trên tuyến này cho biết, vì Tổng cục đi kiểm tra bí mật nên "rất sợ", tạm thời ngừng hoạt động chờ xem xét.

Thu Hằng

Tag: ngăn chặn xe quá tải, Xe ben shacman, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ

Chuyên mục phụ

Additional information