Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương ứng phó mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung

Ngay trong đêm 14/10/2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã dẫn đầu Đoàn công tác Bộ GTVT, phối hợp với lãnh đạo các địa phương thị sát các điểm ngập lụt, đình trệ giao thông tại các tỉnh miền Trung.


Nước dâng cao gần ngập mái nhà tại Hà Tĩnh

Cụ thể, trong buổi sáng 15/10, Thứ trưởng Lê Đình Thọ và  Đoàn công tác đã kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Dự kiến chiều nay (15/10), Đoàn sẽ tới Quảng Bình.

Để kịp thời ứng phó mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, cũng trong sáng 15/10, Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký ban hành Văn bản số 12150/BGTVT-PCTT&TKCN gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Hàng hải Việt Nam; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Cục đường sắt Việt Nam; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;

Đồng thời gửi tới các Sở GTVT: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Văn bản nêu rõ: Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Do ảnh hưởng kết hợp của vùng áp thấp, gió mùa Đông Bắc và nhiễu động gió Đông trên cao nên từ đêm đến hết ngày 15/10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (trên 200mm/cả đợt, riêng khu vực Nam Nghệ An-Huế khoảng 300-500mm). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2. Khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ trong 1-2 ngày tới tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có giông.

Do mưa lớn, đến trưa và chiều nay (15/10) trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện lũ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lỡ đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng, ven sông ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.


Nhiều tuyến đường ở Quảng Bình bị ngập nặng

“Nhằm triển khai đúng tinh thần Công điện số 29/CĐ-TW hồi 17 giờ 50 ngày 14/10/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, và để chủ động đối phó với diễn biến của mưa, lũ, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị: khẩn trương thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Bộ GTVT tại các Công điện số 46/CĐ-BGTVT ngày 12/10/2016, số 47/CĐ-BGTVT ngày 13/10/2016”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu cụ thể đối với Cục Hàng hải Việt Nam: chỉ đạo cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải phối hợp với các lực lượng khác tại địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn các tàu bị trôi dạt ra biển và tìm kiếm cứu nạn thuyền viên bị mất tích. Chỉ đạo Đài thông tin Duyên hải tăng cường thời lượng phát sóng, thông báo kịp thời diễn biến của bão Sarika đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Philipin.

Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, phải tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực tổ chức đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục hậu quả trong và sau khi mưa, lũ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực xung yếu, các cầu yếu… để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian ngắn nhất; Chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ sau mưa, lũ, phải giữ được mặt đường êm thuận, các công trình thoát nước luôn thông thoáng, hệ thống biển báo hiệu đầy đủ, rõ ràng. Sửa chữa, gia cường kho tàng, cơ sở vật chất hiện có của đơn vị, đảm bảo an toàn.


Đường sắt Quảng Bình tê liệt

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông; kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, lũ gây ra; kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác PCTT và TKCN đảm bảo sẵn sàng ứng cứu. Chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì ĐTNĐ kịp thời thu hồi phao tiêu, báo hiệu trước khi lũ về.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Khẩn trương thực hiện khắc phục sự cố do sạt lở đường, tắc nghẽn tàu theo chỉ đạo của Bộ GTVT tại văn bản số 12149/BGTVT-VT ngày 14/10/2016.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu các Sở GTVT nói trên phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, các Cục quản lý Đường bộ trong việc phân luồng phân tuyến đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi giao thông trên các tuyến đường bị ngập.

“Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Giao thông vận tải”, Lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo.

Trước đó, chiều tối 14/10, Bộ GTVT cũng đã có  Văn bản số 12148/BGTVT-VT ngày 14/10/2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo khắc phục sự cố tàu khách bị tắc nghẽn tại Quảng Bình do sạt lở đường và ga Đồng Hới, ga Lệ Kỳ ngập nước đồng thời có Văn bản chỉ đạo TCT ĐSVN khẩn trương chuẩn bị và cấp phát thức ăn, nước uống cho hành khách đi tàu; hướng dẫn, thông tin để hành khách yên tâm; đề xuất và thực hiện phương án giải toả hành khách nếu thời gian ách tắc kéo dài; Chủ động phối hợp ngay  với chính quyền địa phương và các lực lượng khác trên địa bàn địa phương để huy động lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố tàu khách bị tắc nghẽn và giải toả hành khách.

(mt.gov.vn)

Quốc hội phê chuẩn ông Trương Quang Nghĩa làm Bộ trưởng GTVT

Sáng 9/4, Quốc hội chính thức phê chuẩn Phó ban Kinh tế T.Ư Trương Quang Nghĩa làm Bộ trưởng Bộ GTVT thay ông Đinh La Thăng.

Trương Quang Nghĩa - Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư vừa được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT

Sáng 9/4, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Riêng với chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT, theo tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Quang Nghĩa - Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư được đề cử để Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT thay người tiền nhiệm là ông Đinh La Thăng.

Trước đó, vào chiều 8/4, với 93,52% tổng số ĐBQH bỏ phiếu tán thành việc miễn nhiệm, Quốc hội đã chính thức miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Đinh La Thăng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Quốc hội, ông Đinh La Thăng vẫn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT cho đến khi Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm nhân sự mới vào vị trí này.

Theo kết quả kiểm phiếu sáng 9/4, có 416/485 phiếu hợp lệ (chiếm 84,21% tổng số ĐBQH) tán thành việc đề cử ông Trương Quang Nghĩa để Quốc hội phê chuẩn vào vị trí Bộ trưởng Bộ GTVT. Như vậy, ông Trương Quang Nghĩa chính thức được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT.

Ông Trương Quang Nghĩa, sinh ngày 19/8/1958, quê quán tỉnh Quảng Nam. Ông có 16 năm công tác trong quân đội và 16 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại VINACONEX. Ông từng kênh qua các chức vụ: Tổng giám đốc VINACONEX, Phó bí thư thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp TƯ, Bí thư tỉnh Sơn La.

Tháng 5/2008, Ban Bí thư điều động ông Trương Quang Nghĩa từ vị trí Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2005-2010, phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng.

Tháng 9/2010, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương.

Tại Đại hội Đảng 11 tháng 1/2011, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương.

Tháng 6/2012, ông được Bộ Chính trị điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sơn La. Tháng 3/2015, Bộ Chính trị điều động ông Trương Quang Nghĩa giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Hiện ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12.

Nguồn: Báo Giao thông

 

Tổng cục ĐBVN vừa có văn bản yêu cầu đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt phục vụ bầu cử Quốc hội khóa XIV

Tổng cục ĐBVN vừa yêu cầu các Sở Giao thông vận tải; Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV; Cục Quản lý xây dựng đường bộ; Cục Quản lý đường bộ cao tốc; Ban Quản lý dự án 3, 4, 5, 8 tăng cường bảo đảm trật tự, giao thông an toàn thông suốt góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội phục vụ bầu cử Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Tổng cục ĐBVN yêu cầu Cục Quản lý xây dựng đường bộ và các Ban Quản lý dự án cần tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo nhà thầu thi công thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm giao thông trên đường bộ đang khai thác; không để xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông do thi công công trình gây ra.

 Yêu cầu nhà thầu phải xây dựng phương án tạm ngừng thi công, hoàn trả mặt đường, tổ chức thi công gọn gàng, dứt điểm từng hạng mục; rà soát, bố trí đầy đủ hệ thống cọc tiêu, biển báo, đèn tín hiệu, chỉ dẫn giao thông và thực hiện đầy đủ công tác đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; bố trí lực lượng thường trực (nhân lực, thiết bị) để kịp thời xử lý các tình huống, đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông tuyệt đối an toàn, thuận lợi trong thời gian bầu cử Quốc hội khóa XIV.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý đường bộ, cảnh sát giao thông và các cơ quan liên quan của địa phương trong công tác đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Đối các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải:  Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN về việc giải tỏa lòng, hè đường đảm bảo an toàn giao thông. Tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, chiếm dụng lòng đường, lề đường buôn bán làm cản trở giao thông.

Tăng cường công tác duy tu, sửa chữa đường bộ; xử lý kịp thời các điểm đen mất an toàn giao thông; kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo giao thông, các đoạn tuyến, khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông (nhất là các đoạn tuyến đang thi công trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 20 và các tuyến đường cửa ngõ vào các thành phố lớn); có phương án bố trí nhân lực ứng trực để kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông; có các biện pháp nâng cao điều kiện đảm bảo an toàn giao thông tại các nút giao thông, các đoạn đường đèo dốc có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt, các tuyến đường quanh khu vực trường học, các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông; tổ chức cảnh giới vào các giờ cao điểm tại các cầu chung đường sắt và đường bộ, đường ngang không có người gác mà lưu lượng phương tiện qua lại cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; có biện pháp khắc phục kịp thời các sự cố, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trong khu vực quản lý.

Tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, xử lý nghiêm các đơn vị thi công vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Báo cáo kịp thời về Tổng cục ĐBVN khi xảy ra ùn, tắc và tai nạn giao thông trên các tuyến đường trong khu vực được giao quản lý.

Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng tham gia bảo đảm giao thông, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; chỉ dẫn phân luồng bảo đảm giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Sở GTVT chỉ đạo các Ban QLDA trực thuộc nghiêm túc thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông khi thi công dự án nâng cấp, mở rộng do Sở làm Chủ đầu tư. Không để xảy ra ùn tắc giao thông và tình trạng gây mất an toàn giao thông do thi công.
 
 Tăng cường công tác kiểm tra các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải khách trong việc tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động vận tải, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải. Tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn của xe ô tô chở khách ngay tại bến, cương quyết không cho xuất bến đối với xe ô tô không bảo đảm điều kiện an toàn, người lái xe có dấu hiệu sử dụng rượu, bia.
 
Đề nghị các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể về bảo đảm an toàn giao thông trogn quá trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử, đặc biệt trước và trong ngày bầu cử Quốc hội Khóa XIV về Tổng cục ĐBVN trước ngày 28/3/2016.

Khánh Hồng
(duongbo.vn)

Toàn bộ các trạm thu phí trên cao tốc và quốc lộ phải sử dụng một công nghệ thu phí thống nhất

Sáng 15/3, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp thống nhất và triển khai công nghệ thu phí không dừng (ETC) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ trên toàn quốc.
 

Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo kế hoạch, từ nay đến 30/6 toàn bộ các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sẽ triển khai tối thiểu một nửa số làn ETC, phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier) và đến năm 2020 sẽ bỏ hết barier tại các trạm thu phí. Việc triển khai và vận hành hệ thống ETC tại các trạm thu phí này được Bộ GTVT lựa chọn từ Nhà đầu tư có năng lực là Công ty Cổ phần Tasco.

Hiện tại, trên toàn quốc có 72 trạm thu phí, tuy nhiên hầu hết các trạm chưa triển khai làn ETC, các trạm đã triển khai hệ thống ETC lại sử dụng các công nghệ khác nhau (công nghệ DSRC sử dụng OBU và công nghệ RFID sử dụng thẻ eTag). Do đó, việc tích hợp công nghệ, kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trạm thu phí gặp rất nhiều khó khăn.

Để giải quyết các tồn tại nêu trên, Bộ GTVT đã có kiến nghị với Chính phủ và được Thủ trướng đồng ý chủ trương cho phép Bộ GTVT triển khai các trạm ETC theo công nghệ RFID sử dụng thẻ eTag trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ trên toàn quốc nhằm thống nhất một công nghệ (RFID) và khả năng liên thông giữa các trạm.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết,
tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đã sẵn sàng cho việc lắp đặt hệ thống ETC

“Đối với các trạm thu phí đã triển khai theo công nghệ DSRC, cần nghiên cứu tích hợp với công nghệ RFID và dần chuyển sang công nghệ RFID, các trạm chuẩn bị triển khai thống nhất chỉ sử dụng công nghệ RFID theo định hướng chung của Bộ”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu Ban PPP sớm giải quyết dứt điểm thủ tụ đầu tư; Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Công ty CadPro xây dựng tiêu chuẩn ETC trình Vụ Khoa học công nghệ thẩm định; Công ty Cổ phần Tasco xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc mà Tasco phụ trách, đồng thời phối hợp với CadPro để thống nhất phương thức kết nối giữa các trạm thu phí.

Phùng Trọng

(mt.gov.vn)

Chuyên mục phụ

Additional information