Ra quân triển khai Năm trật tự văn minh đô thị và đảm bảo TTATGT 2015
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra quân triển khai Năm trật tự văn minh đô thị và đảm bảo TTATGT 2015 diễn ra sáng nay (5/1), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội cần chọn những vấn đề bức xúc, bức thiết trong cuộc sống, những khâu đột phá, trọng tâm để tập trung chỉ đạo quyết liệt. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng dự Lễ ra quân
Giảm tối thiểu 5% TNGT, 7 điểm ùn tắc
Triển khai Năm trật tự văn minh đô thị và đảm bảo TTATGT, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu giảm từ 5 – 10% TNGT đường bộ, đường sắt, không để xảy ra TNGT đường thuỷ nghiêm trọng. Thành phố cũng phấn đấu giảm 7 – 10 điểm ùn tắc giao thông trong tổng số 46 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc trên địa bàn thành phố năm 2014; Đẩy mạnh công tác chỉnh trang hè đường phố, giữ gìn trật tự đô thị…
“Trong năm 2015, cùng với việc phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn đảm bảo chất lượng, an toàn, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các công trình phụ trợ phục vụ công tác tổ chức giao thông, trong đó có camera giám sát giao thông; tổ chức lại 59 nút giao thông trọng điểm; quy hoạch sắp xếp các bến xe liên tỉnh, tuyến vận tải hành khách liên tỉnh; mở rộng vùng hoạt động của xe buýt”, ông Viện nói.
Tổ chức phong trào không dàn trải, nóng vội
Phát biểu tại Lễ ra quân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Năm 2014, Hà Nội đã hoàn thành vượt mức mọi chỉ tiêu, kế hoạch. Riêng trong lĩnh vực quản lý đô thị, ATGT, chống ùn tắc giao thông, thành phố đã có bước chuyển biến đáng kể".
UBND TP Hà Nội tiếp tục chọn năm 2015 là năm trật tự, văn minh đô thị.
Thống nhất cao với chủ trương của Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội tiếp tục chọn năm 2015 là năm trật tự, văn minh đô thị, trong đó tập trung vào lĩnh vực giao thông đô thị, nhằm chuyển biến về ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông, đưa công tác quản lý đô thị vào nề nếp hơn, văn minh hơn, trật tự hơn, Phó Thủ tướng cũng khẳng định TP Hà Nội đã xây dựng và ban hành một kế hoạch, hành động triển khai với nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể.
Sang năm 2015, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội cần nghiêm túc triển khai 4 nội dung. Trước hết cần tiếp tục tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT, văn minh đô thị, đặc biệt cả hệ thống chính trị phải vào cuộc vận động người dân Thủ đô thực hiện. “Việc này phải làm thường xuyên với cách làm phong phú, đa dạng từ cấp thành phố tới cấp cơ sở. Hà Nội có nhiều mô hình tốt, cần nhân rộng”, Phó Thủ tướng nói.
Kế đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nội phải thực hiện đồng bộ, lâu dài, kiên trì các giải pháp về tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, đặc biệt tại các điểm thường xảy ra tai nạn, ùn tắc, các nơi mất TTATGT, trong đó có việc duy tu, duy trì chất lượng hạ tầng giao thông, thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm.
Trong lĩnh vực quản lý đô thị, Hà Nội cần chọn những vấn đề bức xúc, bức thiết trong cuộc sống, những khâu đột phá, trọng tâm để tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ví dụ như phong trào đường thông, hè thoáng, phong trào không vứt rác bừa bãi… Tổ chức phong trào không dàn trải, không nóng vội, đặt ra các nhiệm vụ cụ thể ở từng khu vực, ở nông thôn, đô thị, khu trung tâm. Cần huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong cuộc vận động toàn dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị của Hà Nội.
Cuối cùng, trong quá trình triển khai, Phó Thủ tướng đề nghị thành phố cần chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Đề nghị HĐND các cấp, UBMTTQ các cấp cần giám sát thực hiện chủ trương này để thực hiện có hiệu quả, thiết thực./.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn
Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản yêu cầu loại bỏ các biển thông tin tốc độ không phù hợp
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có văn bản yêu cầu các Cục Quản lý Đường bộ, các Sở GTVT triển khai kiểm tra và tháo bỏ toàn bộ các biển thông tin tốc độ không phù hợp trên hệ thống quốc lộ.
Ảnh minh họa.
Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT ngày 17/7/2009 của Bộ Giao thông vận tải có quy định rõ tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ. Bên cạnh đó, lái xe cũng đã được phổ biến các quy định về tốc độ trong quá trình đào tạo, cấp giấy phép lái xe.
Để tạo điều kiện thông thoáng tầm nhìn của người lái xe, đảm bảo khả năng lưu thông, hạn chế những tác động, dễ gây nhầm lẫn của người lái xe, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các Cục Quản lý Đường bộ, các Sở GTVT kiểm tra và tháo bỏ toàn bộ các biển thông tin tốc độ trên hệ thống quốc lộ.
Bên cạnh đó, các Cục Quản lý Đường bộ, các Sở GTVTT cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các qui định về tốc độ trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, chú trọng phổ biến trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe để người tham gia giao thông biết thực hiện.
Ngoài các nội dung trên, Tổng cục ĐBVN đề nghị các Sở GTVT tham khảo để triển khai đối với hệ thống đường địa phương.
Các Cục Quản lý Đường bộ, các Sở GTVT phải hoàn thành việc rà soát, loại bỏ các biển thông tin tốc độ không phù hợp trên quốc lộ và báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục ĐBVN trước ngày 15/8/2014.
Bộ GTVT chọn người có năng lực, bản lĩnh và quyết liệt hành động vào nhiều chức danh quan trọng
Đó là yêu cầu chỉ đạo của Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại buổi họp bàn về Đề án thí điểm thi tuyển chức danh cấp trưởng đổi với một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ vừa diễn ra sáng nay (9/6).
Tại buổi họp Ban Cán sự đảng Bộ GTVT về Đề án thí điểm thi tuyển chức danh cấp trưởng đổi với một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cụ thể là Vụ trưởng Vụ ATGT, Vận tải, Cục trưởng Cục ĐTNĐ và Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay VN, ông Trần Văn Lâm – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GTVT cho biết: Sau khi tổ chức thành công kỳ thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, tiếp tục đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ qua hình thức thí điểm thi tuyển, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã có Nghị quyết về việc xây dựng Đề án thí điểm thi tuyển chức danh cấp trưởng đối với một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức Trần Văn Lâm cũng nhấn mạnh, thông qua thi tuyển, Bộ GTVT sẽ lựa chọn, bổ nhiệm được những người thực sự có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực lãnh đạo, quản lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt xứng đáng để bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo. Cũng qua thi tuyển, sẽ tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, từng bước đổi mới công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tránh cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Theo Đề án, điều kiện chung với các cá nhân thi tuyển vào các chức danh Vụ trưởng Vụ ATGT, Vận tải, Cục trưởng Cục ĐTNĐ và Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay VN là công dân nước Việt Nam, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lý lịch rõ ràng; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có nhận xét, đánh giá trong thời hạn 03 năm liên tục liền kề trước năm tổ chức thi tuyển, đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; Có 5 năm công tác trở lên trong ngành, lĩnh vực liên quan đến công việc của chức danh thi tuyển; trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành liên quan đến công việc của chức danh thi tuyển. Bảo đảm tuổi khi bổ nhiệm không quá 55 đối với nam và không quá 50 đối với nữ; Có sức khỏe bảo đảm công tác.
Tại cuộc họp, hầu hết ý kiến của lãnh đạo đại diện các đơn vị đồng tình với Đề án. Tuy nhiên, riêng đối với chức danh Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay VN, do đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn sâu, các đại biểu thống nhất ý kiến ứng viên phải có 7 năm công tác liên quan đến quản lý bay.
Được biết, ứng viên thi tuyển các chức danh trên đều phải tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp trở lên, đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên. Tuy nhiên, đối với 2 chức danh Vụ trưởng ATGT và Vụ trưởng Vận tải, người dự thi chưa đủ tiêu chuẩn về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngạch công chức, viên chức theo quy định thì Ban Cán sự đảng Bộ GTVT quyết định cho người dự thi được phép thi và nếu trúng tuyển, được bổ nhiệm phải có trách nhiệm hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu trong nhiệm kỳ được bổ nhiệm theo quy định.
“Do đây là cuộc thi với từng chức danh, đảm nhiệm các vị trí công tác, lĩnh vực khác nhau nên mỗi chức danh sẽ có những tiêu chuẩn riêng, sẽ được Bộ GTVT quy định chi tiết”, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định việc Bộ GTVT tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong thời gian qua và 4 chức danh sắp tới là cơ sở quan trọng, góp phần tạo bước đột phá công tác cán bộ, thực hiện tốt Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Quan điểm của Bộ GTVT là chọn cán bộ phải vừa có đủ năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị và quyết liệt trong hành động.
Đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT cũng nêu rõ: Công tác cán bộ là hết sức quan trọng nhưng đồng thời cũng rất nhạy cảm, phức tạp. Do vậy, việc tổ chức thi tuyển là tốt nhất. “Chỉ có tổ chức thi tuyển mới đảm bảo được sự công khai minh bạch, dân chủ, lựa chọn được đúng người, tránh được tiêu cực” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Hoàng Lâm
Tập huấn chữ ký số, chứng thực số
Ngày 18/3, Trung tâm chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ (VGCA) thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ (VGISC) phối hợp với Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn Chữ ký số, chứng thực số cho hơn 40 cán bộ là lãnh đạo, chuyên trách thuộc các đơn vị hành chính, nhà nước, trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng qua hệ thống hội nghị truyền hình.
Hình ảnh lớp tập huấn.
Qua hệ thống hội nghị truyền hình, trên mạng VinaREN tại phòng Hội nghị truyền hình của Trung tâm Thông tin Khoa học và công nghệ Đà Nẵng, giảng viên của Ban cơ yếu Chính phủ cung cấp cho các học viên những nội dung cơ bản, quan trọng về Chữ ký số, chứng thực số, việc quản lý, sử dụng hệ thống chứng thực số chuyên dùng và đã chạy thử các phần mềm được sử dụng trong việc ký số và chứng thực số.
Lớp tập huấn lần này đã giúp các học viên tiếp cận với những vấn đề cơ bản về lợi ích, hiệu quả, cách sử dụng chữ ký số, chứng thực số như một biện pháp tiện lợi, an toàn, giảm chi phí và thủ tục giao dịch hành chính.
Trần Xuân Trường