Hoàn thành mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1 năm

Những nhiệm vụ được Nghị quyết số 13-NQ/TW của Đảng đề ra mục tiêu trọng tâm về hạ tầng giao thông là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức to lớn đối với ngành GTVT. Nghị quyết ra đời đã tạo tiền đề mở đường để đầu tư xây dựng các công trình, dự án lớn của ngành, đặc biệt là Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và nhiều dự án quan trọng khác.
 

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đất nước, nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) hạn hẹp, không đủ đáp ứng cho các mục tiêu đã đặt ra, đòi hỏi ngành GTVT phải có một cách tiếp cận mới trong việc sử dụng hợp lý nguồn lực hiện có, huy động mọi nguồn lực ngoài NSNN và quan trọng hơn là sử dụng hiệu quả các nguồn lực này, cho cả mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Dự án đầu tư mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội - Cần Thơ với chiều dài 1.948 km đã được hoàn thành

Triển khai Nghị quyết, Bộ GTVT đã chủ động xây dựng Đề án mở rộng Quốc lộ 1A và phương án đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với giải pháp trọng tâm là huy động tối đa nguồn vốn ngoài NSNN kết hợp cùng nguồn vốn NSNN (thông qua phát hành TPCP) để đầu tư.

Chính phủ đã thông qua Đề án đầu tư mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội - Cần Thơ với chiều dài 1.948 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong đó, tại thời điểm trước khi triển khai, trên đoạn tuyến này đã mở rộng và xây dựng tuyến tránh được 554 km, còn lại 1.394 km được đầu tư xây dựng mở rộng thông qua 41 dự án: 40 dự án do Bộ GTVT là cấp có thẩm quyền đầu tư (20 dự án đầu tư theo hình thức BOT; 20 dự án đầu tư bằng vốn NSNN và TPCP); 01 dự án do UBND tỉnh Ninh Bình là chủ quản đầu tư (vốn TPCP).

QL1A đoạn đi quan huyện Bố Trạch và Quảng Trạch (Quảng Bình)

QL1A đoạn đi quan huyện Bố Trạch và Quảng Trạch (Quảng Bình)

Được xác định là một dự án trọng điểm quốc gia, do đó Dự án đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ  của các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương có Dự án đi qua, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sự đồng lòng ủng hộ của người dân vùng Dự án, đến cuối năm 2015 đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các dự án mở rộng QL1 sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Cùng với Đề án đầu tư mở rộng QL1, Chính phủ đã thông qua phương án đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với chiều dài 663 km đi qua 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước, trong đó, tại thời điểm trước khi triển khai, trên đoạn tuyến này, đã mở rộng được 244 km với quy mô đường cấp III, 2 làn xe. Còn lại 419 km được chia thành 12 dự án/ TMĐT 16.975 tỷ đồng, trong đó 11 dự án do Bộ GTVT là cấp có thẩm quyền đầu tư (5 dự án đầu tư theo hình thức BOT; 6 dự án đầu tư bằng vốn TPCP); 01 dự án do UBND tỉnh Đắk Nông là chủ quản đầu tư (vốn TPCP).

Một đoạn đường Hồ Chí Minh

Đến nay, 11/11 dự án do Bộ GTVT quản lý đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 7/2015 với tổng chiều dài là 419 km, sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch đề ra.

Như vậy, đến cuối năm 2015 đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo nâng cấp 1.394 km QL1 và 419 km đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên bằng nguồn vốn NSNN kết hợp nguồn vốn xã hội hóa với tổng mức vốn đầu tư lên tới hơn 116.000 tỷ đồng (Trong đó, mức vốn huy động từ các nhà đầu tư hơn 54.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 46% tổng mức vốn đầu tư các dự án).

(mt.gov.vn)

Additional information